Đầu năm học, học sinh thế giới học như thế nào?

Trong khi ở Phần Lan, đầu năm học mới, học sinh chỉ chơi, tập thể dục và nói chuyện; ở Nhật học sinh sẽ đến trường để lau dọn; ở Hàn Quốc thì mỗi ngày trong năm học sinh đều phải học.


Ảnh minh họa
Đến trường đi học trở lại sau thời gian nghỉ hè nghĩa là học sinh lại lao đầu vào học hành. Thế nhưng ở Phần Lan, chuyện học nước này lại rất khác với thế giới.
Thay vì ngồi vào lớp học, giáo viên ở Phần Lan lại muốn học trò mình bắt đầu năm học mới với các trò chơi, bài tập thể dục và nói chuyện về kỳ nghỉ hè vừa qua.
Theo tờ Atlantic, một số giáo viên thậm chí còn cho học trò nghỉ học nửa ngày trong ngày học đầu tiên.
Điều này được coi là khác hẳn so với các trường ở Mỹ, nơi mà giáo viên thường phải dạy theo giáo trình một cách chặt chẽ và có kế hoạch giảng dạy từ trước.

Ở Phần Lan, học sinh lên 7 tuổi mới chính thức đi học. Nước này không có bài kiểm tra đánh giá chất lượng, một ngày học rất ngắn và trẻ em được cho bài tập về nhà rất ít.4

Một điều nữa là giáo dục ở Phần Lan cho rằng trẻ sẽ học được nhiều điều thông qua các trò chơi. Vì theo các nhà giáo dục ở Phần Lan, trẻ con chơi là học. Cứ sau 45 phút học trong lớp, học sinh lại được giải lao 15 phút. Mỗi ngày học sinh có 75 phút giải lao. Trong khi ở Mỹ học sinh chỉ được nghỉ giải lao trung bình 27 phút/ngày.
Khoảng 8 – 9 giờ sáng, học sinh bắt đầu đi học và tan học khoảng 1 hoặc 2 giờ chiều. Sở dĩ, học sinh không học ở lớp nhiều vì văn hóa Phần Lan tin rằng việc học từ những trải nghiệm ngoài lớp học mới quan trọng.
Mặc dù cho học sinh chơi nhiều như vậy, nhưng theo The Huffington Post, Phần Lan là một trong những nước có hệ thống giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới và dẫn đầu về trình độ học vấn.
Nhật Bản: Tự lau dọn trường để biết quý trọng sức lao động

Cô và trò ở Nhật cùng nhau vệ sinh lớp học

Năm học mới ở Nhật bắt đầu vào đầu tháng 4. Các trường học ở đây không hề có người làm vệ sinh. Thay vào đó, học sinh sẽ tới trường và tự quét dọn trường.
Khi tự mình quét dọn trường học, người Nhật tin rằng trẻ em sẽ hiểu được giá trị của những công việc nặng nhọc. Học sinh tự làm vệ sinh lớp học, nhà ăn, và cả nhà vệ sinh. Khi làm vệ sinh, học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ và thay nhau làm suốt năm học. Việc làm này nhằm giúp học sinh học cách làm việc nhóm và biết cách giúp đỡ lẫn nhau.
Việc tự quét dọn, lau chùi giúp trẻ biết tôn trọng công việc của mình cũng như công việc của người khác.
Đối với học sinh tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, người ta không chú trọng dạy kiến thức mà giúp trẻ hình thành nhân cách. Trẻ em tuổi này được dạy tôn trọng người khác, yêu thương động vật và thiên nhiên. Học sinh cũng được học về sự cảm thông, lòng vị tha. Bên cạnh đó, trẻ em cũng được dạy các phẩm chất như tính tự lập, gan dạ và công tâm.
Theo tờ Brightside.me, những điều này được ưu tiên dạy trước rồi mới tới kiến thức trong sách vở.
Ở trường, học sinh và giáo viên ăn cơm cùng nhau nhằm thắt chặt mối quan hệ thầy trò.
Ngoài các môn học truyền thống, sinh viên Nhật Bản còn học thư pháp và thơ ca Nhật Bản. Cả hai môn học này giúp học sinh biết quý trọng nền văn hóa và truyền thống của đất nước mình.
Học sinh ở Nhật hầu như không bỏ học hay đi trễ. Một khảo sát cho thấy có tới 91% học sinh ở Nhật không bao giờ lơ đãng trong giờ học.
Hàn Quốc: Học quanh năm

Một lớp học ở Hàn Quốc

Theo tờ The Huffington Post, học sinh Hàn Quốc dường như dành 100% thời gian học để học. Học sinh nước này dường như học quanh năm, cả ở trường và học với gia sư ngay tại nhà.
Trung bình, học sinh học 13 tiếng/ngày. Vì người Hàn Quốc tin rằng nếu họ học hành chăm chỉ, họ sẽ đạt được mọi thứ trong tương lai. Vì vậy mà không có lý do gì họ lại thất bại một khi đã học hành hết mình.
Lớp học Hàn Quốc thường rất đông học sinh, và điều này được cho là để giúp các học sinh mở rộng mối quan hệ của mình.

Theo Thanh niên