Bảo hiểm nhân thọ chính thức được triển khai tại Việt Nam từ năm 1996, sau 20 năm, tốc độ phát triển còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Bởi tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm bao gồm nhân thọ và phi nhân thọ đến nay đạt hơn 84.500 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 2% GDP.
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa tham gia bảo hiểm nhân thọ, trong đó phải kể đến tâm lý người Việt Nam khi nghĩ rằng mua bảo hiểm là mua điều xui xẻo; thời gian tham gia bảo hiểm kéo dài, lãi suất chưa thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, có nhiều thông tin cho rằng bảo hiểm nhân thọ tham gia thì dễ, lúc lãnh tiền thì khó…
Vợ chồng anh Thành, chị Minh sinh sống tại Hà Nội và đều làm nhân viên văn phòng, thu nhập của hai anh chị là 30 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng anh chị tiết kiệm được 1/3 số tiền trên và muốn tích lũy để chuẩn bị những kế hoạch sau này.
Theo ý chị Minh thì muốn mua bảo hiểm nhân thọ để chuẩn bị tài chính cho con đến năm 18 tuổi nhưng chồng chị lại không chịu vì cho rằng bảo hiểm nhiều rủi ro còn gửi tiết kiệm sẽ chắc chắn hơn.
Câu chuyện của gia đình chị Minh cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người: Liệu gửi ngân hàng hay mua bảo hiểm, kênh nào hay hơn?
Trước hết, gửi tiết kiệm ngân hàng thực sự là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay. Mặc dù không có tỷ lệ sinh lời cao như đầu tư bất động sản hay vàng, hoặc chứng khoán nhưng với mức lãi suất đều đặn định kỳ và tâm lý an nhàn, tính ra đây quả là kênh đầu tư hiệu qủa và an toàn nhất.
Gửi tiết kiệm cũng rất đơn giản có thể gửi ngay tại quầy giao dịch các ngân hàng hoặc gửi trực truyến. Sản phẩm tiết kiệm lại đa dạng như tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, tiết kiệm gửi góp linh hoạt, tiết kiệm trả lãi trước,…tùy vào mục đích và hoàn cảnh của mỗi người.
Trong khi đó, bản chất của bảo hiểm là “chuyển giao rủi ro”. Trong bảo hiểm nhân thọ, một số lượng lớn người tham gia bảo hiểm trả một khoản tiền (phí bảo hiểm) nhỏ theo kỳ hạn nhất định (nửa năm, 1 năm) cho công ty bảo hiểm để khi không may gặp rủi ro, bản thân hoặc gia đình họ sẽ được nhận một số tiền theo mệnh giá của hợp đồng bảo hiểm để có thể vượt qua khó khăn một cách dễ dàng hơn.
Về lãi suất, chắc chắn mua bảo hiểm khoản lãi nhận được luôn thấp hơn lãi suất tiền gửi thấp nhất của các ngân hàng.
Về kỳ hạn, gửi ngân hàng có tính thanh khoản cao hơn, thuận lợi khi rút tiền còn tham gia bảo hiểm, yêu cầu phải tiết kiệm mang tính kỷ luật hơn, trường kỳ. Nếu không kiên trì sẽ mất số tiền đã đầu tư.
Về mặt ý nghĩa và mục đích, gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ được nhận lại lãi còn tham gia bảo hiểm nhân thọ có thêm tính bảo vệ, phòng chống rủi ro. Việc mua bảo hiểm là tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ thanh toán (gấp nhiều lần giá trị bảo hiểm đã mua) khi gặp sự cố ngoài mong muốn, đây không phải là một kênh đầu tư tài chính thông thường như mở tài khoản tiết kiệm, mua vàng, mua cổ phiếu ….
Về số tiền đầu tư, gửi ngân hàng thường phải tích góp một thời gian với số tiền đủ lớn, hợp lý để đem gửi, còn số tiền tham gia bảo hiểm là sự đầu tư nhỏ giọt định kỳ.
Đó là những được, mất, thiệt, hơn giữa hai loại hình đầu tư này. Đầu tư vào đâu, tiền gửi hay bảo hiểm nhân thọ, tất nhiên phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người.
Theo Trí Thức Trẻ