3 rủi ro lớn trên thị trường chứng khoán

Nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro và có muôn vàn rủi ro mà họ đang phải đối mặt. 


Ảnh minh họa
1. Rủi ro thông tin

Loan tin có lãi rồi khi ra báo cáo lỗ là một dạng rủi ro về thông tin mà nhà đầu tư đã gặp phải trong thời gian gần đây. Đó là trường hợp của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HSX: DIG). DIG công bố doanh thu 6 tháng đầu năm là 2.194 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 47,5 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015), nhưng khi báo cáo tài chính quý II hợp nhất thì DIG chỉ đạt 473,3 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 3,85 tỷ đồng.

Hay như trường hợp của Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HSX: QBS). Ngày 29/7 doanh nghiệp này khẳng định ước tính doanh thu quý II đạt trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 28 tỷ đồng, nhưng ngày 30/7, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 của QBS cho thấy Công ty lỗ hơn 22 tỷ đồng.

Ngoài ra, thông tin về việc sử dụng vốn huy động sai mục đích đã xuất hiện ở Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC). Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, kiểm toán khẳng định: Công ty đã sử dụng khoản vốn chào bán cổ phiếu ra công chúng hồi tháng 1/2015 sai với kế hoạch sử dụng vốn sửa đổi đã được đại hội cổ đông thông qua.

Cụ thể, Công ty đã dùng khoản vốn này để thực hiện chi trả cho một số hoạt động không nằm trong kế hoạch, như dùng 103,9 tỷ đồng nộp thuế các loại, 500 triệu đồng góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, Công ty chưa lập hồ sơ chi tiết về việc sử dụng khoản vốn này.

Những thông tin này là một dạng rủi ro khách quan mà nhà đầu tư luôn ở thế bị động và đành ngậm ngùi nhìn giá cổ phiếu cứ vậy giảm dần.

2. Rủi ro từ công ty cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán

Tình trạng công ty chứng khoán đột ngột dừng cấp margin cho một mã cổ phiếu, hoặc mã cổ phiếu nhà đầu tư đang nắm giữ bị cắt margin dẫn đến tình trạng “cháy tài khoản” của nhà đầu tư cũng thường xuyên xảy ra, nhất là khi cổ phiếu của doanh nghiệp đó dính tin đồn lãnh đạo bị bắt, truy cứu trách nhiệm, hay bị “lỗ khủng”.

Khi những tin xấu dồn dập xuất hiện, tình trạng dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu khiến cổ phiếu bị mất thanh khoản, nhà đầu tư cũng không thể bán cổ phiếu thu tiền về và vì vậy sẽ dẫn đến thua lỗ nặng nề.

Các công ty chứng khoán cần đặt câu hỏi liệu rằng các doanh nghiệp được cấp margin có thực sự “khỏe” và định giá đã hợp lý để cho vay ký quỹ hay chưa để giảm thiểu tối đa rủi ro cho khách hàng.

3. Rủi ro do mất thanh khoản

Trường hợp của Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (Upcom: MTM) là một ví dụ điển hình. Cổ phiếu MTM bị dừng giao dịch chỉ sau 2 tháng vì doanh nghiệp vướng vào các thông tin tiêu cực có liên quan đến tính minh bạch, khiến nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu MTM rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Những hệ lụy do tính thanh khoản thấp hay mất thanh khoản của cổ phiếu mà nhà đầu tư đang sở hữu có thể do công ty có tình trạng tài chính thiếu lành mạnh. Thậm chí, chỉ cần một sự thay đổi nhân sự cấp cao trong công ty cũng có thể khiến giá cổ phiếu đó sụt giảm. Và rủi ro rất lớn đối với nhà đầu tư nếu công ty phát hành chứng khoán bị phá sản và biến mất trên thương trường.

Những rủi ro khách quan mà nhà đầu tư đang gặp phải vẫn là vấn đề cần giải quyết của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, việc thực hiện đúng luật, tuân thủ đúng chuẩn mực về công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết là điều cần thiết để lấy được lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường.

“Bản giao hưởng” VN-Index tháng 8

VN-Index “vượt dốc” tháng ngâu miệt mài với rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, bao trùm lên cả là bức tranh về kinh tế vĩ mô, vi mô, các thông tin về kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp, động thái mua bán của khối ngoại, và thêm nữa là tâm lý chung của các “tay chơi” trên thị trường. Sự biến động lên xuống thất thường của thị trường như một bản nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc, đặc biệt nhất là trong bản giao hưởng VN-Index tháng 8 vừa qua (xem biểu đồ).

Có thể thấy, xu hướng tăng giá vẫn duy trì từ đầu năm cho đến nay với một đường xu hướng (Trendline) hướng lên kéo dài từ đáy 513,82 điểm ngày 22/1, xu hướng tăng giá này vẫn được tiếp tục xác nhận khi đường giá hiện vẫn còn nằm trên các đường trung bình động ngắn hạn SMA (20), SMA dài hạn (120), SMA (200). Trong tháng 8, sau những phiên tăng giá ở đầu tháng khi VN-Index chạm hỗ trợ vùng 623, giá biến động tích lũy trong biên độ 653- 668, có thể thấy động lực để giá tăng mạnh đã giảm dần với hiện tượng thanh khoản co hẹp và giá biến động trong một biên độ xác định. Trong nhịp đi ngang này của VN-Index, nhóm Large – cap đóng vai trò chủ yếu trong việc giữ chỉ số, tiêu biểu là VNM, FPT, GAS, BVH. VCB, VIC, và nhóm này biến động đồng pha với thị trường. VN-Index đã tăng một nhịp ấn tượng từ đầu năm đến nay trên bức tranh kinh tế vĩ mô tích cực.

Xét trên quan điểm phân tích kỹ thuật, xu hướng tăng điểm dài hạn vẫn duy trì, cơ hội mua và nắm giữ những cổ phiếu tăng trưởng cơ bản tốt, mang tính ổn định vẫn còn hiện hữu trong những nhịp điều chỉnh của thị trường.

Theo DNSG