Hàng Thái tràn ngập siêu thị, lối đi nào cho hàng Việt?

Khi những lo ngại về chất lượng hàng Trung Quốc dấy lên cũng là lúc hàng Thái có cơ hội đổ bộ vào thị trường Việt Nam, phủ sóng các ngóc ngách, từ chợ truyền thống đến siêu thị.


Ảnh minh họa

Khu vực trưng bày gạo và các loại gia vị đến từ Thái Lan được ưu tiên bày ở vị trí bắt mắt tại Metro quận 6, TP.HCM. Ảnh: Thái Nguyễn

Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị , 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỷ USD.

Trước đó, tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Metro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD. Có được hệ thống bán lẻ trong tay, dĩ nhiên hàng Thái cũng dễ dàng lọt vào chuỗi bán lẻ này.

Siêu thị ưu tiên chỗ đẹp nhất bày bán hàng Thái

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các kệ hàng bên trong hệ thống siêu thị Metro, hầu hết vừa bày hàng Thái xen lẫn với hàng Việt. Nhiều thương hiệu trong ngành hàng mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm, nước xả vải từ lâu đã quen với người dùng Việt Nam như Downy, Essence… vẫn cái tên đó nhưng nay thành xuất xứ từ Thái Lan.

Không chỉ hoá mỹ phẩm mà nhiều mặt hàng khác như bánh kẹo, gia dụng, giày dép, gạo, nước mắm… cũng “made in Thailand”.

Dạo một vòng Metro tại quận 6, TP.HCM, không mấy bất ngờ khi các sản phẩm xuất xứ Thái Lan độc chiếm nhiều quầy, kệ. Không chỉ được đặt ở ngay lối ra vào, các loại bia, nước ngọt, bánh kẹo…còn được trưng bày trên những kệ hàng riêng biệt, sát quầy tính tiền, dễ thu hút khách hàng.

Tại khu bán gạo, siêu thị này ưu tiên riêng một khu vực cho gạo Thái Lan với đủ chủng loại, giá cả, “sát cánh” với khu bán rau củ quả, thực phẩm. Cạnh những kệ gạo luôn có nhân viên túc trực sẵn sang hỗ trợ khách hàng.

Khu vực bày các sản phẩm khác như gia vị, đồ ăn đóng hộp, mì gói Thái Lan… cũng được bày trí bắt mắt, với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá dễ thu hút tầm nhìn của người mua hàng.

Theo anh H.T, nhân viên tại siêu thị này: “Đồ Thái ở siêu thị này mặt hàng nào cũng có. Hàng luôn được trưng ở đầu các kệ hoặc những vị trí dễ nhìn thấy. Vì hàng Thái là ‘chủ nhà’ nên vị trí đẹp nhất phải ưu tiên trước”.

Tại Metro ở quận 2, TP.HCM, sản phẩm hàng Thái sẽ được chạy những “chiến dịch” quảng cáo theo thời gian không cố định, chủ yếu để giới thiệu sản phẩm. Trong thời gian đó, những mặt hàng ưu tiên sẽ được trưng bày tại một khu riêng biệt ngay lối vào siêu thị. Giá các sản phẩm cũng sẽ rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng khác của Việt Nam.

Không chỉ Metro mà tại siêu thị BigC Thăng Long, Hà Nội cũng đã đưa lên kệ nhiều mặt hàng nguồn gốc Thái Lan, như nước xả vải, nước giặt quần áo. Đặc biệt, Big C Thăng Long còn dành riêng quầy chuyên bán hàng Thái Lan tại các vị trí đẹp nhất, thu hút nhiều người tham quan, mua sắm.

Một nhân viên tại Big C này cho hay, mặc dù chưa xuất hiện nhiều nhưng hầu hết các mặt hàng Thái đều được người Việt chào đón và tin dùng. Bởi hàng xuất xứ từ Thái Lan luôn đảm bảo về chất lượng, mẫu mã sản phẩm bền và đẹp và giá cũng cạnh tranh.

Tấn công bằng giá

9h, Metro Hà Đông (Hà Nội) nhộn nhịp đón những vị khách đầu tiên như hàng ngày. Ở quầy hàng thực phẩm, chị Vũ Diệu Thuần (Tô Hiệu, Hà Đông) loay hoay, cầm lên đặt xuống hai túi gạo 5 kg, một là của thương hiệu Thái Lan giá 105.000 đồng, một là gạo Điện Biên giá 110.000 đồng.

Sau một hồi cân nhắc, chị Thuần quyết định chọn túi gạo Thái Lan rồi đến quầy thanh toán. “Trước đây gia đình tôi thường ăn gạo Điện Biên, nhờ người quen trên đó mua gửi xuống. Cách đây 2 tháng, tôi được tặng gạo Thái Lan, ăn thấy dẻo, thơm ngon nên tôi chuyển sang ăn gạo Thái.

Mặc dù chất lượng không nổi trội hơn so với gạo Điện Biên nhưng giá mềm hơn chút xíu và lại tiện hơn, chỉ bước mấy bước chân ra siêu thị đã có, không cần phải đặt mua xa xôi nữa”, chị Thuần cho hay.

Chị Thuần chỉ là một trong những vị khách tin dùng hàng Thái của hệ thống siêu thị Metro Hà Đông. Có rất nhiều người, khi đặt chân vào Metro, việc đầu tiên là hỏi nhân viên: “Quầy hàng gia dụng bán đồ Thái ở đâu?”.

Cũng theo chị D. nhân viên Metro quận 2, TP.HCM tại hệ thống này thì hàng Thái thường về theo đợt. Tuy chưa chiếm ưu thế về số lượng so với hàng Việt, nhưng xét về giá cả thì đa số các mặt hàng xuất xứ từ Thái Lan luôn có giá rẻ hơn.

“Mỗi một mặt hàng, bên cạnh sản phẩm Việt Nam đều có hàng Thái xen vào. Những mặt hàng lượng mua lớn thì hàng Thái càng nhiều. Ví dụ như sữa đặc của Thái Lan thường được khách lựa chọn, vì giá rẻ hơn đến 6.000 đồng một hộp so với các loại khác của Việt Nam. Ngay cả bột ngọt, sản phẩm đóng hộp đủ kích thước thì hàng Thái vẫn chiếm ưu thế”, anh H.T nói thêm.

Tại Metro, duy chỉ có hàng may mặc của Thái Lan đang có giá đắt hơn so với cùng loại sản xuất trong nước. Như quần jeans Nam Thái Lan tại Metro quận 6 đang bán đồng giá 860.000 đồng, quần jeans tại Việt Nam chỉ có khung giá 270.000-350.000 đồng một sản phẩm.

Nhân viên hệ thống này cho biết những chủ cơ sở buôn bán nhỏ lẻ thường mua số lượng lớn hàng tiêu dùng, gia vị về bán lẻ, vì giá thành cạnh tranh nhưng chất lượng được đảm bảo với mác hàng Thái.

Lối đi nào cho hàng Việt Nam?

Lý giải nguyên nhân hàng Thái nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, giới chuyên gia trong ngành cho rằng hàng Thái rẻ hơn hàng Nhật, Hàn Quốc, chất lượng ưu việt hơn hàng Trung Quốc và mẫu mã lại đẹp hơn hàng Việt Nam.

Và ể chinh phục người Việt, hàng Thái không chỉ đa dạng về mẫu mã, chủng loại mà còn được “ưu đãi” bởi các ông chủ đến từ quốc gia này, khi dành những vị trí đắc địa trong trung tâm thương mại, siêu thị.

Không phải ngẫu nhiên mà Metro đặt sản phẩm Thái cùng loại bên cạnh sản phẩm Việt, đó là cách để người dùng tự làm phép tính so sánh. Với mẫu mã, giá cả hợp lý thì chắc chắn hàng Thái sẽ là lựa chọn đầu tiên.

Trên thực tế, tuy chưa có kết luận của cơ quan chức năng nào về hàng Thái chiếm bao nhiêu phần trăm trong siêu thị, và những hàng Việt nào đã bị đẩy ra khỏi danh sách cung ứng tại đây, song nhìn thức tế đổ bộ của hàng hoá Thái khiến nhiều doanh nghiệp nội đã không khỏi lo ngại.

Bằng chứng là, Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam từng gửi công văn cho ban lãnh đạo BigC, đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm mức chiết khấu xuống 15% cho các nhà cung cấp thuỷ sản.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng muốn giữ được vị thế trên sân nhà, các đơn vị trong nước cần phải liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến lưu thông trên thị trường. Tận dụng được thế mạnh của mỗi đơn vị, từ đó mới tạo được vị thế trên thị trường.

Big C cam kết 90-95% hàng hoá trong siêu thị là hàng Việt Nam

Đại diện Big C Việt Nam dẫn lại lời ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành Big C Việt Nam, cho biết sẽ không có biến động về hàng Việt tại hệ thống. Siêu thị Big C cam kết tiếp tục đẩy mạnh và gia tăng hàng Việt tại hệ thống ở mức 95%, thậm chí có thể cao hơn mức hiện nay nhằm tạo điều kiện để hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Big C đã và đang có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển hàng Việt tại thị trường nội địa cũng như quảng bá hàng Việt ra thế giới.

Theo Zing