Với sự bùng nổ công nghệ số, các doanh nghiệp bán lẻ đang phát triển các mô hình kinh doanh đa kênh, online và offline.
Trong lĩnh vực bán lẻ, hầu hết các thương hiệu lớn của ngành như Co.opmart, Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, Thiên Hòa… đều đã ứng dụng công nghệ vào bán hàng. Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng (bán offline), các doanh nghiệp (DN) bán lẻ còn bán hàng trực tuyến (online), và doanh thu từ mảng này đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
“Mốt trực tuyến”
Điển hình là doanh thu bán hàng online của Thiên Hòa luôn duy trì tăng trưởng ở mức 200% mỗi năm. Doanh thu từ bán hàng trực tuyến của Thế Giới Di Động năm 2015, đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2014 (đạt 925 tỷ đồng).
Năm 2016, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.300 tỷ đồng, và 3 tháng đầu năm đã đạt 680 tỷ đồng, tăng 101% so với năm 2015. Các thương hiệu khác như Nguyễn Kim, điện máy Chợ Lớn, Co.opmart… doanh thu online cũng tăng trưởng mạnh qua từng năm.
Nhưng không phải bây giờ mảng bán lẻ online mới được DN chú ý mà nhiều năm trước đã được quan tâm. Đơn cử là năm 2003, Saigon Co.op đã hướng đến hình thức này bằng việc cho ra đời 2 website: www.co-opmart.com.vn và www.saigonco-opmart.com.vn.
Năm 2012, cùng với hai trang web bán 4 nhóm hàng: thực phẩm, may mặc, đồ dùng điện và hóa mỹ phẩm với hơn 1.000 sản phẩm, Saigon Co.op đã ra mắt fanpage Co.opmart với mục đích tạo một kênh truyền thông có khả năng tương tác cao với khách hàng.
Cuối năm 2015, Saigon Co.op thay đổi giao diện và làm mới lại hoạt động bán hàng trực tuyến. Ông Nguyễn Anh Đức – Phó tổng giám đốc Saigon Co.op (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra…) cho biết, Saigon Co.op đang đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử nhằm góp phần đa dạng hàng hóa, tăng tính liên kết giữa các mô hình bán lẻ, tạo sự tiện lợi cho khách hàng khi mua sắm.
Theo báo cáo của Nielsen công bố hồi tháng 6/2016, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thay đổi của ngành bán lẻ. Mỗi tuần, người Việt Nam sử dụng đến 24,7 giờ để truy cập internet. Chính nhu cầu kết nối internet mọi lúc, mọi nơi của người tiêu dùng là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển thương mại điện tử.
Báo cáo cũng cho thấy, các ngành hàng đang có tỷ lệ lớn người tiêu dùng mong muốn được mua sắm trực tuyến là vé máy bay, tour du lịch, khách sạn, sách điện tử, phần mềm máy tính, nhạc số, video và trò chơi điện tử, quần áo, điện thoại… Các ngành hàng bán vé máy bay, tour du lịch và khách sạn, sách điện tử, vé xem phim… cũng được các DN cung cấp dịch vụ trung tâm thanh toán đầu tư mạnh.
Hiện tại, có khá nhiều DN đã hợp tác với nhau để mang đến dịch vụ trực tuyến đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chẳng hạn như ví điện tử Payoo đã hợp tác với một số hãng hàng không để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến khi khách mua vé máy bay; ví điện tử Momo bắt tay với các nhà phát hành phim, rạp chiếu phim giúp khách hàng có thể mua vé trực tuyến thông qua công cụ này…
Phát triển đa kênh
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có đến 80% người dùng internet tìm kiếm thứ họ muốn trên internet trước khi quyết định mua hàng. Vì thế, các website bán hàng trực tuyến trở nên quan trọng không kém gì các gian hàng tại các trung tâm.
Dự báo của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, đến năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% thị trường bán lẻ.
Các chuyên gia cho rằng, kinh doanh ngành bán lẻ đang thay đổi theo xu hướng đa kênh. Cùng với kinh doanh offline, kinh doanh online được khai thác không chỉ thông qua website của DN mà ở tất cả các kênh người tiêu dùng thường sử dụng như diễn đàn, mạng xã hội, phần mềm ứng dụng di động…
Chia sẻ tại hội thảo “Tăng tốc bán hàng online – chiến lược lớn cho DN vừa và nhỏ” do VECO và Bizweb tổ chức mới đây, ông Trần Trọng Tuyến – Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ DKT cho rằng, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các DN thương mại điện tử.
Lý do được ông Tuyển đưa ra là với một thị trường có hơn 40 triệu người sử dụng internet, trong đó có hơn 30 triệu người sử dụng Facebook và ngày càng có nhiều người sử dụng công cụ tìm kiếm phổ biến như Google để tìm hiểu sản phẩm trước khi quyết định mua sắm. Vì thế, các DN cần tích cực phát triển nền tảng bán hàng đa kênh thông qua trang web, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… để thu hút khách hàng.
Thời gian qua, đã có nhiều thông tin cho rằng các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại làm khó nhà sản xuất trong việc đưa hàng vào siêu thị. Vì thế, các DN bán lẻ đang tìm mọi biện pháp để giải quyết tình trạng này nhằm xây dựng được thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng.
Là một thương hiệu bán lẻ mạnh của Việt Nam, để tránh tình trạng này, Saigon Co.op cũng đã chọn giải pháp “kinh doanh đa kênh” trong chiến lược phát triển. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ các DN nội bằng cách đa dạng các mô hình để các DN tìm được kênh phân phối phù hợp để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng như kênh HTV Co.op, Co.opmart phân khúc cao, thương mại điện tử…
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi của ngành bán lẻ khi hình thành đồng thời ở cả hai hình thức: cửa hàng thực và gian hàng trực tuyến. Về cơ bản, tốc độ bán lẻ trực tuyến tăng trưởng nhanh hơn nhưng thương mại truyền thống vẫn là kênh mua bán lớn nhất xét về số lượng cửa tiệm lẫn doanh thu.
Riêng về mảng offline, năm 2015, lần đầu tiên trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của mô hình chợ, cửa hàng tạp hóa tăng nhanh hơn siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến 5,4%, và chiếm 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh (tương đương với gần 10 tỷ USD).
Theo DNSG