Theo đó, Chỉ thị số 30/CT-UBND yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Nam tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp, kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2016 – 2020 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trong đó, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm đủ quỹ đất để xây dựng mới, mở rộng diện tích các cơ sở giáo dục theo hướng đạt chuẩn quốc gia và đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian đến.
Chỉ thị số 30, nêu rõ, trong đầu tư giáo dục, ngành GD&ĐT phải ưu tiên cho miền núi, vùng khó khăn; triển khai thực hiện việc chuyển các trường phổ thông dân tộc nội trú 1 cấp học (cấp THCS) về UBND huyện quản lý theo đúng quy định tại Thông tư 11 của liên bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.
Đồng thời, tham mưu phê duyệt đề án “Phát triển giáo dục miền núi giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” và đề án “Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đáp ứng yêu cầu tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới”.
Đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, Chỉ thị 30 yêu cầu Sở GD&ĐT rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng ở từng cấp theo chuẩn quy định; xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm 2018.
Toàn ngành phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là người công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Việc phân luồng học sinh sau trung học, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo ngành GD&ĐT và các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp.
Hàng năm, Sở GD&ĐT Quảng Nam tham mưu tuyển sinh vào lớp 10 công lập với tỷ lệ phù hợp nhằm nâng dần chỉ tiêu phân luồng sau trung học; quy hoạch sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; đánh giá hiệu quả hoạt động mô hình kết hợp giữa trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp để đề xuất UBND tỉnh có hướng xử lý phù hợp.
Đồng thời nghiên cứu triển khai thực hiện thí điểm mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương theo chủ trương của Bộ GD&ĐT; đảm bảo công tác giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn, phục vụ cho hoạt động hướng nghiệp và phân luồng hiệu quả.
Các địa phương, sở, ban ngành liên quan phối hợp thực hiện tốt, hiệu quả việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; chú trọng công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; nhắc nhở ngành GD&ĐT thực hiện nghiêm kỷ cương nền nếp trong các cơ sở giáo dục; chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo.
Mặt khác, làm tốt hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời tình trạng bạo lực học đường, những tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
Theo Giáo dục và Thời đại