“Gieo chữ” trên non cao!

Mới đó là mà đã hơn 10 năm, thầy giáo trẻ Lò Văn Ngọc gắn bó với vùng đất khó Nậm Pồ (Điện Biên) để “gieo chữ”. 

10 năm với biết bao kỷ niệm vui, buồn về tình thầy, trò và bà con dân bản. Song trên hết là cho thầy những trải nghiệm thú vị và giúp thầy trưởng thành hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mời về dự Lễ tuyên dương lần này tại Thủ Đô Hà Nội, giáo viên, phụ huynh và học trò của trường ai ai cũng chúc mừng Thầy Ngọc.

Quyết rời phố lên rừng

Dạy học ở vùng khó đã khó nhưng dạy học cho học sinh dân tộc còn khó hơn nhiều. Vì thế, điều cần nhất ở người thầy là cái tâm. Khi đã có tâm với nghề, khi đã yêu học sinh như con thì khó khăn nào cũng vượt qua, thử thách nào cũng chiến thắng

Thầy Lò Văn Ngọc – Sinh năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, chàng thanh niên với dáng vẻ thư sinh Lò Văn Ngọc – người thành phố “chính hiệu” đã quyết định xa rời cuộc sống phồn hoa nơi đô thị để đến với vùng đất khó.
Năm 2005, thầy “khăn gói quả mướp” một mình tìm đến trường Nà Hỳ, cách thành phố hơn một trăm Kilomet. Mất gần một ngày mới đến được nơi cần đến, ấy vậy mà lúc đến nhận trường, nhận lớp, thầy không tin vào mắt mình bởi đó là những gian nhà lụp sụp được làm bằng tranh tre, nứa lá, vách đất.

Thầy còn nhớ như in sau ngày nhận lớp, thầy được giao đến một bản cách điểm trường chính hàng chục kilomet đường rừng để vận động học sinh đến trường.

Vừa “Chân ướt, chân ráo” nhận nhiệm vụ, cộng thêm địa hình phức tạp, toàn rừng với núi, ngôn ngữ thì bất đồng nên thầy không thể hình dung hết đường đi.

May sao, gặp được một người dân tốt bụng, họ biết nói tiếng Kinh nên chỉ đường dẫn lối cho thầy. “Tuy nhiên, nhờ bác nông dân đó mà tôi có thêm kinh nghiệm đi đường rừng để đến các thôn bản:

Đầu tiên, là nên chọn đi theo đường mòn, tiếp đến là cứ theo dấu chân trâu, bò mà lần theo, kiểu gì cũng đến được bản làng của người dân tộc” – thầy Ngọc chia sẻ.

Lần khác, thầy đi cùng với một đồng nghiệp vào bản, đi đến một khe suối thì trời đổ mưa, nước đổ về rất nhanh, trong thoáng chốc đã ngập ngang người.

Vậy là cả thầy và đồng nghiệp tìm mọi cách để thoát thân, cũng may gặp được một người dân trợ giúp nên cả hai đều thoát nạn. “Thế mới biết, hành trình “gieo chữ” ở vùng cao thật lắm gian nan nhưng con đường để đến với con chữ của các em cũng muôn nỗi nhọc nhằn” – thầy Ngọc bộc bạch.

Gian nan đến trường


 Thầy Ngọc hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm

Cũng theo thầy Ngọc, khổ nhất là các em học sinh, đến được trường đã vất vả rồi, nhưng việc học cũng muôn vàn khó khăn. Ở những lớp học tuềnh toàng, thiếu thốn đủ bề này, mùa hè thì oi bức vì không có điện, có quạt; mùa đông thì rét tê tái, còn gặp phải trời mưa thì khổ không nói hết.

Lúc ấy chỉ còn cách là cả thầy và trò túm tụm lại để tránh mưa hắt, gió lùa; sách vở, quần áo bị ẩm ướt và dơ bẩn.

“Quả thật, thời gian đầu mình rất nản vì ở đây khó khăn quá. Nhưng nhìn các em, em nào em nấy đều hồn nhiên, vô tư, trong sáng và rất “khát chữ” nên mình không cầm lòng được và quyết định ở lại bám trường, bám lớp” – thầy Ngọc chia sẻ.

Một năm sau thầy được điều động sang xã Nà Khoa để dạy học. Ở đây khó khăn không khác gì ở Nà Hỳ. Học sinh toàn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc H’Mông. Trình độ dân trí còn hạn chế, nên nhiều em học hết lớp 7, lớp 8 đã nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng.

“Nhất là thời điểm sau Tết, giáo viên chúng tôi khá vất vả để vận động các gia đình cho con tiếp tục việc học. Nhiều gia đình đồng ý nhưng chỉ cho con trai đi học, còn con dâu phải ở nhà để làm nương” – thầy Ngọc chia sẻ và cho biết:

Giờ đây, tình trạng này không còn nhiều nhưng lúc nào giáo viên trong trường cũng phải sẵn sàng tâm thế để vận động phụ huynh không cho con em nghỉ học giữa chừng. “Niềm vui lớn nhất của giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số là mong sao các em không bỏ trường, bỏ lớp” – thầy Ngọc tâm sự.

Niềm vui của giáo viên vùng khó​

Được biết, hiện nay thầy Ngọc đã được luân chuyển về Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Chà Cang (Nậm Pồ, Điện Biên) và những điểm trường mà thầy đã từng trải qua cũng đã và đang được kiên cố hóa trường lớp. Song chính những năm, tháng công tác ở vùng khó đã cho thầy nhiều bài học quý về tình thầy trò, tình đồng nghiệp và tình cảm của bà con dân bản.”

Thầy cho biết: Ngày 20/11 của giáo viên vùng cao thường không có hoa tươi, không có quà bánh nhưng món quà lớn nhất mà các thầy, cô có được là chữ TÌNH.

“Xúc động làm sao, khi được các em tặng một bó hoa rừng, càng cảm thấy ấm áp khi nhận được lời chúc mừng của phụ huynh, bởi như thế là họ đã biết quan tâm đến sự học của con em mình. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để mọi người gắn kết, yêu thương” – thầy Ngọc tự hào kể.

Cũng theo thầy Ngọc, thực ra học sinh dân tộc rất hiếu học, vì vậy quan trọng là giáo viên biết khơi dậy tinh thấy ấy của các em.

“Chẳng hạn như: Nếu không may học sinh chưa thuộc bài, giáo viên chưa vội gắt gỏng và cho điểm kém ngay với em đó mà có thể nhẹ nhàng nhắc lại bài cũ, đồng thời có thể cho em đấy nợ điểm để lần sau gỡ lại.

Như thế, vừa giúp các em hiểu bài, lại không làm các em chán nản, thậm chí còn tạo động lực để các em cố gắng hơn trong học tập nhằm quyết tâm gỡ lại điểm cho mình” – thầy Ngọc trao đổi.

Một năm học nữa lại về với biết bao hy vọng. Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng nói như thầy Ngọc: dù có khó khăn đến đâu thì những thầy, cô giáo nơi vùng đất khó cũng sẵn sàng vượt qua;

Tất cả đều gạt bỏ nỗi niềm riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là “gieo chữ trên non cao”; đem ánh sáng tri thức đến với các em và đến với bản làng nơi vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Từ đó tạo tiền đề để các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Theo Giáo dục và Thời đại