Giúp trẻ khắc phục sai lầm trong cách học tiếng anh mà 99% người Việt ai cũng mắc phải

Để có thể nói tiếng Anh hay và chuẩn như người bản ngữ là việc làm đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng của người học. Tuy nhiên, nếu người học không học đúng cách thì cho dù có cố gắng và nỗ lực đến đâu kết quả đạt được cũng không như mong đợi. Hãy điểm qua 7 sai lầm phổ biến trong cách học khiến người Việt khó nói giỏi tiếng Anh và cách giúp trẻ khắc phục để nói tiếng Anh chuẩn và tự nhiên như người bản ngữ nhé.


Ảnh minh họa

Chỉ học từ vựng đơn lẻ

Theo cách học tiếng Anh truyền thống, đa số mọi người sẽ ghi lại từ vựng đơn lẻ để học thuộc lòng. Tuy nhiên, mỗi từ vựng khi đứng đơn lẻ sẽ khiến não bộ khó ghi nhớ. Hơn nữa, khi học từ vựng đơn lẻ, người học phải ghi nhớ thêm các nguyên tắc ngữ pháp để kết nối từ lại thành câu. Vậy đừng bao giờ tách từ vựng ra khỏi văn cảnh mà hãy giúp trẻ học theo các nhóm cụm từ, như vậy trẻ sẽ học từ vựng và cách diễn đạt đồng thời. Điều này giúp trẻ học nhanh hơn và sử dụng tiếng Anh đúng văn cảnh một cách tự nhiên nhất.

Học quá nhiều quy tắc ngữ pháp

Có thể bạn sẽ thấy đây là quan điểm đi ngược lại những gì người học Việt Nam thường làm trước đây, tuy nhiên học quá nhiều nguyên tắc ngữ pháp chính là một trong những lý do kìm hãm kỹ năng nói tiếng Anh của trẻ. Khi trẻ học quá nhiều các quy tắc ngữ pháp, trẻ sẽ luôn suy nghĩ về các quy tắc đó trong lúc giao tiếp và mất nhiều thời gian để cân nhắc xem mình đã nói đúng ngữ pháp chưa.

Trẻ bản ngữ không học ngữ pháp cho đến khi 12 tuổi nhưng vẫn nói đúng ngữ pháp. Đối với trẻ em bản ngữ, việc học ngữ pháp để phục vụ cho kỹ năng viết, không phải cho kỹ năng nói. Ngữ pháp được người bản ngữ học một cách tự nhiên thông qua nghe và đọc hàng ngày.

Học bằng mắt mà không học bằng tai

Đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất đối với người học tiếng Anh ở Việt Nam vì phần lớn người học đều chỉ quan tâm đến giáo trình, đọc sách giáo khoa và làm bài tập mà coi nhẹ kỹ năng nghe. Trong khi đó, một trong những chìa khóa quan trọng nhất giúp đạt được độ trôi chảy trong giao tiếp tiếng Anh chính là học thông qua nghe. Thông qua nghe, trẻ vừa tiếp thu ngữ pháp, vừa học từ vựng, vừa hiểu tốt hơn một cách tự nhiên nhất. Vậy, bạn hãy giúp trẻ học tiếng Anh theo cách của trẻ em học nói, nghe trước và sau đó bắt chước nói rồi mới hiểu điều mình nói.

Không duy trì thói quen học thường xuyên

Cũng giống như chơi thể thao, tiếng Anh là một kỹ năng và cần phải luyện tập thường xuyên để đạt được độ thuần thục. Vì vậy, các bạn không nên để trẻ học theo cách 1 tuần học 1 đến 2 buổi, mỗi buổi vài tiếng đồng hồ mà hãy phân bổ thời gian để ngày nào cũng có thể luyện tập và thực hành tiếng Anh dù chỉ 20 – 30 phút. Hãy thiết lập cho mình thói quen luyện tập tiếng Anh mỗi ngày để đạt hiệu quả cao nhất.

Học tiếng Anh một cách cứng nhắc

Một đặc điểm của người Việt khi nghe nói tiếng Anh đó là cố gắng nghe hết tất cả các từ trong câu và dịch lại. Bạn hãy giúp trẻ học cách bắt các từ chính “key word” để hiểu nội dung của câu chuyện. Khi trẻ đã bắt được các “key word” rồi thì bạn có thể giúp trẻ luyện tập diễn đạt lại nội dung của câu chuyện đó sử dụng các thì ngữ pháp khác nhau hoặc thay đổi các chủ ngữ khác nhau. Đây chính là cách học linh hoạt giúp trẻ thành thạo ngữ pháp một cách tự nhiên, đồng thời trong giao tiếp sẽ bắt nhanh được ý của người nói.

Sử dụng sách giáo khoa

Nhiều phụ huynh coi sách giáo khoa là chuẩn mực để con có thể học tốt tiếng Anh. Tuy nhiên, một lời khuyên cho các phụ huynh muốn con nói giỏi tiếng Anh là đừng cho trẻ sử dụng sách giáo khoa để học nói. Văn phong trong các cuốn sách giáo khoa rất trang trọng, chỉ dùng trong văn viết chứ không được sử dụng nhiều ngoài đời thường. Phụ huynh hãy tìm cho con những cuốn truyện mà trẻ bản ngữ đọc, những chương trình truyền hình mà trẻ bản ngữ xem. Hãy bắt đầu bằng những cuốn truyện hay bộ phim hoạt hình đơn giản nhưng thú vị và hấp dẫn để tạo hứng thú học tập và niềm say mê cho con mình.

Học tiếng Anh một cách thụ động

Riêng với học ngoại ngữ, trẻ cần có sự tương tác liên tục để thúc đẩy suy nghĩ bằng tiếng Anh. Bạn hãy cho trẻ học theo mô hình “đối thoại”, theo đó giáo viên hỏi và trẻ trả lời, chứ không học theo cách giáo viên giảng bài bằng tiếng Anh và trẻ cố gắng dịch sang tiếng Việt để hiểu. Khi giáo viên hỏi chính là cách huấn luyện cho trẻ suy nghĩ bằng tiếng Anh, và trẻ trả lời, chính là luyện phản xạ hiểu nhanh hơn và phản hồi tốc độ hơn. Một khi trẻ đã quen với cách thức học này, phản hồi tốt với giáo viên thì trẻ sẽ cảm thấy tự tin và hứng thúc học hơn rất nhiều.

Theo Dân trí