Bức thư mới đây đã vượt qua hàng triệu bài thi xuất sắc nhất ở nhiều quốc gia khác trên thế giới đoạt giải Nhất cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 – 2016.
Độc đáo từ đề tài
Chủ đề cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 đó là “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi”. Đề thi không xa lạ nhưng đầy sự sáng tạo. Và quả thật nó đã trở thành cuộc thi thật thú vị cho các em nhỏ trên toàn thế giới. Từ một thời điểm hiện tại các em có thể thỏa sức bay bổng và sáng tạo vẽ nên mơ ước cho mình về một tương lai.
Bức thư UPU thẫm đẫm giá trị nhân văn của Việt Nam đoạt giải nhất thế giớiTham gia cuộc thi, các em nhỏ đã vượt qua mọi ranh giới của không gian và thời gian để được gặp gỡ, để đối thoại trực tiếp với mình ở thì tương lai. Những thế giới được mở ra hết sức phong phú với nhiều bất ngờ đến ngỡ ngàng. Trong top 100 bức thư hay nhất được lựa chọn lại của Việt Nam là 100 mơ ước gửi gắm thật dung dị xong cũng thật giàu cảm xúc, phản ánh một thế giới ước mơ trẻ thơ thực sự hồn nhiên, tươi đẹp.
Đó là mơ ước trở thành giáo viên, doanh nhân, nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường, bảo vệ hòa bình, nhà văn, bác sĩ, nghệ sĩ, nhà ngoại giao, người đầu bếp tài hoa… Thậm chí các em còn mạnh dạn lựa chọn mơ ước của mình khi trở thành một cảnh sát biển, một Bộ trưởng, một người kinh doanh không khí sạch… Riêng Nguyễn Thị Thu Trang lại hóa thân thành cậu bé Aylan Kurdi – người thiệt mạng trên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến vượt biển cùng gia đình để viết thư cho chính mình vào năm 45 tuổi.
Giàu giá trị nhân văn
“Anh bạn tuổi 45 ơi, anh còn nhớ chứ! Chúng ta theo cha mẹ chạy trốn khỏi chiến tranh và bạo lực đẫm máu nơi quê nhà Kobani với giấc mơ về “miền đất hứa” ở trời Âu. Vậy mà, giấc mơ ấy chấm dứt chỉ 20 phút sau khi chiếc thuyền khởi hành. Biển dậy sóng, thuyền lật úp, bàn tay bé nhỏ của tôi buông rời tay mẹ. Tôi đã hét lên “Bố ơi, xin đừng chết!”. Tôi đã vật lộn với những con sóng, đã cố bấu víu lấy sự sống mong manh, đã vẫy vùng trong tuyệt vọng. Nhưng đứa bé 3 tuổi thì có thể làm được gì giữa biển cả mênh mông trong đêm tối mịt mù? Và rồi… biển cả rộng mở đón tôi vào lòng. Biển cả cũng rất khoan dung khi thay vì nhấn chìm tôi đã đưa tôi vào bờ, nằm yên trên cát”.
Đó là những lời thật xúc động khi hình dung về số phận của cậu bé Aylan Kurdi – hình ảnh đã được truyền thông chia sẻ cách đây cũng không lâu, một kết cục đau thương của làn sóng di dân. Nhưng trong sự tưởng tượng của tác giả bức thư, cậu bé ấy đã được hồi sinh trên thiên đàng trở thành một thiên thần để rồi vẫn có thể viết ước mơ cuộc đời mình ở tuổi 45. Mặc dù trước đó cũng có nhiều tranh luận ngay trong cuộc thi UPU tại Việt Nam. Nhưng cuối cùng bức thư cũng nhận được sự nhất trí cao của BGK và được gửi đi dự thi trên toàn thế giới.
Lựa chọn nhân vật để gửi gắm suy nghĩ cũng như bức thông điệp về hiện tại, tương lai trong bức thư của Nguyễn Thị Thu Trang đã khiến nhiều người phải kinh ngạc.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, trí tưởng tượng đã giúp em vượt qua giới hạn trần trụi của hiện thực để biến mọi thứ đều có thể. Ai bảo bé Aylan Kurdi đã chết? Ai dám khẳng định em đã không còn ngày ngày lớn lên cùng với thế giới, nơi trái tim hàng triệu triệu trẻ em trên Trái đất? Em sống bất tử để làm một bài học và nhắc nhở con người rằng, chỉ có sự khốn cùng của đạo đức là không có cơ hội tái sinh. Và những vẻ đẹp đích thực, vẻ đẹp tinh khiết thì không thể chết được. Chỉ qua trên dưới một ngàn chữ, người đọc không thể không kinh ngạc về sự hiểu biết sâu sắc của em trước một trong những vấn đề rất lớn của nhân loại là di dân và phân biệt đối xử. Hóa ra điều tồi tệ hơn cả sự phân biệt quốc tịch, màu da là những đường biên giới vô hình luôn được dựng lên trong trái tim con người. Nó ngăn cản mọi sự tốt đẹp…
Rõ ràng hóa thân vào nhân vật cậu bé Aylan Kurdi trên thiên đường, tác giả của bức thư đã gửi gắm giấc mơ về một thế giới không còn bạo lực, một thế giới đầy ắp tiếng cười. Một thế giới không còn đạn bom, không đòi hỏi visa, không phân biệt bởi tôn giáo.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, đại diện BGK của cuộc thi UPU tại Việt Nam chia sẻ: “Một bức thư muốn tạo được ấn tượng sâu sắc với thế giới không chỉ đơn thuần thể hiện tiếng nói dân tộc, mang ý nghĩa nhân văn mà còn phải có tính chất thời sự đồng thời mang tính toàn cầu”.
Theo Giáo dục và Thời đại