Bộ Công thương cho biết năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2015 tính theo giá hiện hành khoảng 79,3 triệu đồng/người, tương đương 3.657 USD.
Cũng theo báo cáo, trong 10 năm qua, năng suất lao động của khu vực nông lâm nghiệp có mức tăng bình quân cao nhất, nhưng năng suất lao động của khu vực này vẫn rất thấp, chỉ tạo ra 31,1 triệu đồng/lao động năm 2015 (theo giá hiện hành)
Trong khi đó, năng suất lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ lớn hơn nhiều lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhưng do tốc độ tăng năng suất lao động thấp hơn, nên khoảng cách về năng suất lao động giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản so với hai khu vực này ngày càng được thu hẹp.
Trong số các ngành kinh tế công nghiệp cấp I, ngành khai khoáng có năng suất lao động cao nhất với mức bình quân một lao động năm 2015 theo giá hiện hành đạt 1,74 tỷ đồng, gấp 21,9 lần mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,15 tỷ đồng, gấp 14,5 lần.
Một số ngành có năng suất lao động đạt trên 100 triệu đồng như: Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu là gia công lắp ráp nên năng suất lao động cũng như tốc độ tăng năng suất không cao, đạt 68,8 triệu đồng/lao động, bằng khoảng 87% năng suất lao động chung toàn xã hội.
“Cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, khoảng cách tương đối về năng suất lao động với các nước ASEAN được thu hẹp dần.”, Bộ Công Thương cho biết.
Cụ thể, tính chung giai đoạn 1994-2013, năng suất lao động tính theo sức mua tương đương năm 2005 (PPP 2005) của Việt Nam tăng trung bình 4,87%/năm, là mức tăng cao trong số các nước ASEAN. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.
Dù vậy, theo Bộ Công Thương năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, khoảng cách tuyệt đối đang ngày càng có xu hướng tăng lên.
Ngoại trừ Brunei và Phillipines, khoảng cách tuyệt đối (chênh lệch GDP trên mỗi lao động) giữa năng suất lao động của Việt Nam với hầu hết các nước ASEAN ở trình độ phát triển cao hơn lại gia tăng trong giai đoạn trên.
Cụ thể, chênh lệch giữa năng suất lao động (tính theo PPP 2005) của Singapore và Việt Nam tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD năm 2013; của Malaysia từ 21.142 USD lên 30.311 USD; Thái Lan từ 7.922 USD lên 9.314 USD; Indonesia từ 4.104 USD lên 4.408 USD.
“Đáng chú ý là nếu so với Trung Quốc và Ấn Độ, năng suất lao động của Việt Nam tăng chậm hơn đáng kể, dẫn tới sự gia tăng của cả khoảng cách tuyệt đối và tương đối so với hai nước trên. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất của các nước”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ này, tình trạng trên là bởi cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp và khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động ở những lĩnh vực này còn thấp; máy móc, thiết bị quy trình công nghệ ở được áp dụng ở Việt Nam còn lạc hậu, hiệu quả sử dụng chưa cao; trình độ tổ chức quản lý, hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập (chỉ số ICOR khoảng 6,91), tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tốt vốn và lao động…
Mặt khác, Bộ Công thương cũng cho rằng còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính chậm được khắc phục. Năng suất lao động chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: Tăng cường vốn, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, thiết bị…
Theo Trí Thức Trẻ