Đa số nhà đầu tư khi tham gia thị trường thường có xu hướng chọn những cổ phiếu “ăn theo” sóng vì thị giá của chúng trông có vẻ thấp và hấp dẫn với hi vọng kiếm nhiều lợi nhuận hơn, thay vì tập trung vào những cổ phiếu dẫn đầu do tâm lý ngại những cổ phiếu giá cao sẽ không còn tăng giá được nhiều nữa. Nhưng thực tế những cổ phiếu giá cao lại vẫn tiếp tục tăng cao hơn, trong khi những cổ phiếu “đội sổ” thị giá thấp trông có vẻ hấp dẫn lại tiếp tục rớt giá thấp hơn nữa.
Một số khác lại tìm cơ hội “ăn bằng lần” tại những công ty yếu kém hoặc đang làm ăn thua lỗ. Warren Buffet cũng từng nói: “Trong thế giới kinh doanh, tin xấu sẽ thường xuyên và liên tiếp xuất hiện nối đuôi nhau, giống như “gián chạy trong bếp nhà bạn. Theo thời gian nó sẽ luôn chạy theo đàn và bạn sẽ lại gặp những con gián khác”. Hy vọng những công ty này sẽ khắc phục tình trạng và làm ăn tốt lên thường sẽ rất khó khăn, vì những công ty gặp rắc rối sẽ lại tiếp tục phát sinh các rắc rối khác.
Cổ phiếu dẫn đầu là cổ phiếu của những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu (thực) tốt nhất trong một phân khúc nào đó của thị trường dựa trên vị thế cạnh tranh của nó và cổ phiếu hoạt động tích cực nhất so với những cổ phiếu trong cùng một dòng và so với mặt bằng chung của thị trường.
Những doanh nghiệp này thường là những doanh nghiệp làm chủ được chuỗi giá trị của mình, có thể dễ dàng mở rộng thị trường hoặc tăng giá bán trong khi vẫn hạn chế tối đa chi phí sản xuất tốt hơn hẳn so với các đội thủ trong ngành, có sản phẩm độc đáo hoặc mô hình kinh doanh hiệu quả, có năng lực quản trị tốt và nguồn lực tài chính dồi dào.
Chúng ta đã và đang chứng kiến sự thành công của nhiều cổ phiếu đáng mơ ước trên thị trường nhờ sự vượt trội trong hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như CTD, BMP, VCS, SKG, DXG, GMD, CII….
Ví dụ, Coteccons (CTD) vẫn là ông “vua” ngành xây dựng, và giá cổ phiếu vẫn liên tục phá đỉnh mọi thời đại. Nhìn những gì mà CTD đã và đang làm được có thể lý giải cho sự thành công này. Doanh nghiệp ngành xây dựng có đặc thù phải sử dụng nhiều vốn nhưng CTD không hề vay nợ ngân hàng mà vẫn có thể tạo ra thành tích rất xuất chúng với doanh thu gần 1 tỷ đô la và lợi nhuận hơn ngàn tỷ đồng.
Đó là do CTD có thể chiếm dụng vốn từ các chủ đầu tư (khách hàng trả trước) và chiếm dụng vốn của đối tác mà không phải chịu chi phí tài chính, con số này luôn lớn hơn tồn kho, và các khoản phải thu (bị chiếm dụng ngược lại) của CTD.
Lợi thế cạnh tranh của CTD còn thể hiện ở mô hình “design and build” hay phương pháp cuốn chiếu cho phép CTD có thể tiết kiệm thời gian triển khai dự án, thúc đẩy dòng tiền và tiết kiệm chi phí vốn, tạo lợi thế trong việc thắng các gói thầu lớn.
Một trường hợp khác là CTCP Thuỷ Sản Vĩnh Hoàn (VHC). Ngành thuỷ sản vốn là ngành rất nhạy cảm và rủi ro bởi các yếu tố vĩ mô, chính sách, tỷ giá và kiểm soát vùng nguyên liệu. Điển hình là năm 2015 các nước xuất khẩu thuỷ sản đã liên tiếp phá giá đồng nội tệ của họ, như Indonesia phá giá đồng Rupiah 42%, Malaysia phá giá đồng Ringit 33%, Ấn độ phá giá đồng Rupee 20% và Thái Lan phá giá đồng Bath 18%, làm cho các doanh nghiệp thuỷ sản lớn ở Việt Nam điêu đứng.
Trong khi các doanh nghiệp khác tăng trưởng thất thường dựa vào biến động khách quan thì Vĩnh Hoàn vẫn duy trì phong độ, đáp ứng đầy đủ kịp thời sự chuyển đổi của thế giới trong ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Điều này là do VHC tập trung vào chuỗi giá trị từ việc làm chủ vùng nguyên liệu, sản xuất, bán hàng và các sản phẩm da cá thì chế xuất collagen và các sản phẩm phụ trợ khác. Lợi thế cạnh tranh VHC đặc biệt là duy trì thuế chống bán phá giá 0% trong nhiều năm tại thị trường lớn nhất ở Mỹ.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT của Vĩnh Hoàn từng cho biết, ở vị trí dẫn đầu, áp lực của Vĩnh Hoàn là luôn phải tạo ra sự khác biệt dựa trên nền tảng của đạo đức và trách nhiệm.
Theo Trí Thức Trẻ