Mọi người dường như đều ôm mộng khởi nghiệp, nhưng hãy thử đoán xem có bao nhiêu trong số họ thực sự có thể mang lại một sản phẩm hoàn chỉnh và tạo ra lợi nhuận? Con số ấy không nhiều đâu!
Vấn đề ở đây chính là cách tiếp cận kinh doanh của những người ôm mộng khởi nghiệp hầu hết đều có thiếu sót ngay từ đầu. Họ cố gắng “phá luật chơi” (disrupt), đặt một cái tên thật hoành tráng và hy vọng sẽ có một “kỳ lân” tỷ đô. Thật đáng tiếc, rất ít cá nhân có năng lực và tư chất thiên bẩm để thành công trong “canh bạc” này.
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao chúng ta luôn luôn nghe về Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Travis Kalanick (sáng lập Uber), Brian Chesky (sáng lập Airbnb) và chỉ nghe về họ mà thôi? Đó là vì không thực sự có nhiều người có thể tạo dựng nên thành công đủ để khiến cả thế giới trầm trồ khen ngợi.
Chẳng ai trách móc nếu bạn không phải là một thiên tài. Đôi khi, chỉ cần thông minh và làm việc chăm chỉ là đủ, đó là những yếu tố cần thiết để thành công trên thương trường. Nếu bạn mong chờ vào một chút may mắn thì cũng được thôi, nhưng hãy nhớ may mắn chỉ đến với người kiên trì.
Quá nhiều người tập trung vào vấn đề tiền bạc khi mới bắt đầu kinh doanh. Họ mơ ước công ty của mình sẽ được định giá hàng tỷ USD, đạt danh tiếng rực rỡ như tỷ phú Jack Ma, nói ra câu nào người người nhà nhà cũng đều vỗ tay rần rần, tấm tắc khen đó là chân lý, và thực hiện những thương vụ IPO hoành tráng. Tuy nhiên, đó lại không phải là cách tốt nhất để bắt đầu kinh doanh.
“Bất cứ ai cũng có thể tạo ra một công việc cho chính họ.
– Dan Norris (chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp) –
Xây dựng một doanh nghiệp khỏe mạnh
Thay vì những mơ mộng kể trên, điều bạn nên tập trung vào là xây dựng một doanh nghiệp nhỏ, tìm cách tăng trưởng, và điều quan trọng nhất chính là cung cấp giá trị cho khách hàng của bạn. Ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào thương trường, hãy cố gắng khiến khách hàng vui vẻ rút hầu bao để mua sản phẩm của bạn.
Nếu câu hỏi đầu tiên của bạn khi nghĩ về ý tưởng khởi nghiệp của mình là “Tiền đâu?”, thì có lẽ ý tưởng đó không phải là nền móng tốt cho khởi nghiệp. Một startup vững chắc và khỏe mạnh nên nhận được đủ kinh phí duy trì hoạt động từ chính khách hàng, chứ không phải từ các nhà đầu tư.
Có nhiều người cứ một mực khăng khăng: “Tôi cần số tiền X đó để bắt đầu”, “Nếu không có một VC (Venture Capitalist – nhà đầu tư mạo hiểm), chúng tôi không thể thực hiện được điều này” và nhiều lý do khác.
Tuy nhiên, thực tế là bạn có thể dễ dàng bắt đầu kinh doanh ngay trong khi đang làm một công việc toàn thời gian, điều này sẽ làm giảm đáng kể số tiền bạn cần. Sau đó, khi đã có 6 đến 12 tháng thu nhập để dành trong ngân hàng, bạn sẽ sẵn sàng để bỏ công việc toàn thời gian hiện tại và tập trung toàn tâm toàn ý vào quá trình khởi nghiệp của mình.
Bạn muốn trở thành một Basecamp, hay chỉ là một con kỳ lân giãy chết?
Basecamp là một công cụ quản lý dự án có hơn 15 triệu người dùng, trong đó có 285.000 khách hàng trả phí. Từ năm 2015, Basecamp đã được ước tính là có doanh thu 170 triệu USD dù công ty chỉ có 40 nhân viên.
Dưới đây là những điều mà các nhà sáng lập Basecamp đã làm đúng:
– Ra mắt sản phẩm trong khi vẫn còn làm nghề tư vấn toàn thời gian.
– Một khi đã có đủ sức lôi kéo người dùng, họ dành toàn thời gian cho Basecamp.
– Họ không phụ thuộc vào các nguồn vốn từ VC
– Và quan trọng nhất: họ tạo ra được lợi nhuận trong quá trình kinh doanh.
Trong khi đó, các startup chết yểu thì thường đi theo “quy trình” này:
– Gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần (angel investor)
– Xây dựng phiên bản giới hạn cho sản phẩm của họ.
– Kiếm thêm tiền từ các nguồn vốn VC
– Xây dựng thêm nhiều tính năng.
– Đổi hướng kinh doanh (pivot) như chong chóng
– “Nướng” sạch sẽ tiền mặt.
– Thất bại!
Có thể nói, Basecamp là một sản phẩm khá bền vững, và với hầu hết mọi người thì đây là một thành công lớn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thành công ngay cả khi bạn không đạt được trình độ như Basecamp.
Bạn thích điều gì hơn nào: kiếm tiền và thành công, hay nướng sạch tiền của người khác và thất bại?
Làm thế nào để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng của bản thân?
“Ai cũng đều là một doanh nhân. Các kỹ năng duy nhất bạn cần để trở thành một doanh nhân đó là khả năng thất bại, có ý tưởng, chào bán những ý tưởng đó, biến chúng thành hiện thực, và không bỏ cuộc. Nhờ vậy, ngay cả khi bạn thất bại, bạn vẫn học được những điều bổ ích và chuyển sang một cuộc phiêu lưu tiếp theo”
– James Altucher (nhà quản lý quỹ kiêm triệu phú khởi nghiệp) –
Bước đầu tiên là để lại tất cả giả định của bạn sang một bên: Tất cả chúng ta thường có ý tưởng khi muốn khởi nghiệp. Tuy nhiên những ý tưởng đó chỉ là của riêng chúng ta, và chúng ta dễ bị vướng vào những định kiến (bias).
Thay vào đó, bạn nên tìm hiểu về những nhu cầu và khó khăn của người khác và xây dựng một sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng tốt những nhu cầu đó.
Hãy dạo quanh Quora, Reddit hoặc bất kỳ diễn đàn trực tuyến nào khác mà những người đồng trang lứa với bạn thường vào truy cập và thảo luận. Sau đó, hãy tìm kiếm các câu hỏi hay được đặt ra, chẳng hạn như ai đó đang cố gắng khắc phục vấn đề họ đang gặp phải, tìm kiếm một cách tốt hơn để làm điều gì đó, phàn nàn về những thiếu sót của công cụ hiện tại…
Và rồi ý tưởng sẽ lóe lên trong đầu bạn.
Bây giờ, hãy nghĩ đến việc bạn có thể giúp đỡ những người đó bằng cách xây dựng sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ – nếu bạn quyết định cung cấp dịch vụ, hãy cố gắng trình bày nó theo cách làm cho nó trông giống như một sản phẩm, ví dụ như của WPCurve.
Tại thời điểm này, bạn nên xác định những gì bạn muốn xây dựng. Đã đến lúc xây dựng phiên bản đơn giản nhất, nhưng vẫn đảm bảo sự hữu ích cho sản phẩm của bạn.
Bạn nên gạt những chi tiết “râu ria” sang một bên, và chỉ triển khai nó khi bạn có thời gian và tiền bạc. Hãy tập trung vào tính năng chính – điều gì đem lại cho bạn nhiều kết quả nhất trong thời gian ngắn nhất có thể?
Một khi đã xây dựng xong phiên bản đầu tiên, bạn nên tập trung vào việc quảng bá sản phẩm, và cách tốt nhất để bắt đầu chính là viết blog và nói chuyện với khách hàng. Hãy viết ra những nội dung tốt đánh trúng vào nhu cầu của khách hàng, để giúp họ nhận ra những giá trị mà bạn có thể cung cấp cho họ.
Hãy trung thực và sẵn sàng giúp đỡ khách hàng, và đồng thời cũng cố gắng cho đi nhiều hơn là nhận lại.
Sau một thời gian, bạn sẽ biết liệu sản phẩm của bạn có thành công hay không. Nếu bạn không bắt đầu triển khai công việc kinh doanh và tung sản phẩm ra thị trường, chắc có lẽ cả đời bạn cũng không biết khi nào sản phẩm của bạn thành công.
Có lợi nhuận rất là tốt
Hãy nhớ rằng, điều quan trọng nhất khi kinh doanh chính là mang lại giá trị cho khách hàng và tạo ra lợi nhuận từ việc kinh doanh, chứ không phải là chỉ mong chờ vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, nướng hết tiền và suy nghĩ làm cách nào để các nhà đầu tư rót vốn vào tiếp.
Theo NCDT