Nhà tuyển dụng thiếu người, lập trình viên nộp đơn sai chỗ, lỗi tại ai?

Theo ý kiến một chuyên gia trong ngành, có lẽ đã đến lúc không chỉ lập trình viên, mà chính những nhà tuyển dụng cũng nên nhìn lại vai trò của mình trong vấn đề này.


Ảnh minh họa

Câu chuyện “khát” nhân lực trong ngành công nghệ thông tin (IT) tại Việt Nam đã không còn quá xa lạ. Theo báo cáo của VietnamWorks, trong nửa đầu 2017, IT tiếp tục là ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất khi nguồn cung chỉ đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu.

Có một thực tế là trong khi nhiều nhà tuyển dụng kêu trời vì không tìm được ứng viên thì những người khác, dù đã tuyển được, lại bày tỏ thái độ không hài lòng vì sinh viên ra trường thiếu chuyên môn, yếu kỹ năng và thậm chí không phù hợp với văn hóa công ty… Vì đâu lại có sự kết hợp trái ngang này? Đây có phải chỉ là lỗi của ứng viên?

Với kinh nghiệm hơn 15 năm hoạt động trong ngành IT, anh Nguyễn Hữu Bình, CEO của chuyên trang tuyển dụng IT TopDev đã đưa ra góc nhìn mới mẻ khi cho rằng: sai lầm lớn nhất khiến nhà tuyển dụng không tìm được ứng viên tài năng, cốt lõi nằm ở khâu xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng- Employer Branding.

Theo anh Bình, hầu hết các công ty công nghệ hiện nay đang cạnh tranh về mặt lương bổng. Họ sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn, thậm chí là “phá giá” cốt chỉ để thu hút lập trình viên tài năng. Tuy nhiên, lương lại không phải là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới quyết định của lập trình viên có đầu quân vào một công ty hay không.

“Trong quá khứ, tôi từng nhiều lần nhảy việc, và công ty tôi nghĩ đến đầu tiên thường là các công ty có bài toán phù hợp với chuyên môn và sở trường của mình, sau đó đến việc tôi có thể học hỏi hoặc nhận được sự giúp đỡ của chuyên gia từ công ty đó, và cuối cùng mới cân nhắc mức lương và đãi ngộ”.

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh khẳng định yếu tố quan trọng nhất để tuyển được nhân sự IT là làm sao để lập trình viên thấy được công ty đang có những gì, đang cần tìm kiếm những ai cho phù hợp với môi trường công nghệ của mình. Vấn đề này chưa được chú ý dẫn tới việc không tìm được ứng viên, hoặc tìm được nhưng người đó lại không phù hợp.

“Đa phần nhà tuyển dụng thường không quan tâm tới xây dựng thương hiệu trong mắt ứng viên – đó là một sai lầm lớn. Hãy tưởng tượng nó như là một trò chơi câu cá vậy, bạn phải “thả thính” để thu hút sự chú ý của đàn cá, và sau đó mới thả móc câu kèm mồi xuống nơi có thính”, CEO của TopDev cho biết.

“Employer Branding – làm thương hiệu, chính là việc thả thính, gây sự chú ý, còn việc bạn đăng tuyển chính là hành động thả mồi câu xuống. Employer Branding sẽ giúp cho việc đăng tuyển của bạn có hiệu quả rất cao, thậm chí chưa cần đăng tuyển đã luôn có ứng viên chủ động nộp hồ sơ”.

Để xây dựng thương hiệu tuyển dụng tốt, các nhà tuyển dụng có thể cử chuyên gia đến chia sẻ tại các sự kiện, từ đó cho ứng viên thấy mọi thứ liên quan đến công nghệ mà họ đang theo đuổi. Ngoài ra các công ty này cũng nên tăng độ nhận diện trên cộng đồng công nghệ thông qua các bài blog hoặc đưa ra câu trả lời về kỹ thuật cho những lập trình viên đang gặp vấn đề.

“Có thể nói, việc làm thương hiệu tuyển dụng – Employer Branding, quảng bá về con người, công nghệ và văn hóa công ty đến các ứng viên chính là một xu hướng mà các nhà tuyển dụng hiệu quả nhất đang ấp dụng. Làm thương hiệu tốt, sẽ giúp cả hai bên có thể hiểu rõ lẫn nhau dẫn đến việc tuyển dụng sẽ được đưa đến đúng đối tượng hơn”, CEO của TopDev cho biết.

Ngoài ra, một báo cáo gần đây của TopDev cũng cho thấy những ứng viên giỏi thường sẽ chọn vào công ty có hoạch định đường lối, văn hoá, định hướng, chính sách đào tạo và tâm nhìn rõ ràng. Do đó, các công ty nên chú ý đến những điểm này trong xây dựng chiến dịch tuyển dụng hơn là chỉ tập trung vào mức lương cao.

Theo trí thức trẻ