Những nguyên tắc cần tuân thủ nếu bạn không muốn CV của mình bị nhà tuyển dụng vứt sang một bên

Chiến trường việc làm thời hiện đại đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Bên cạnh bằng cấp, chứng chỉ,…thì cover letter (thư xin việc) cũng là vũ khí tối thượng cho mỗi ứng viên trên mặt trận ấy. Vậy làm sao để phát huy hết khả năng của chúng? Làm sao để lá thư xin việc của bạn không chỉ là một mẩu giấy đơn thuần mà trở thành sợi dây gắn kết bạn và nhà tuyển dụng?


Ảnh minh họa

Rất nhiều người trong chúng ta thường có quan điểm rằng, cover letter phải thật chuẩn, như khuôn mẫu. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi bạn gõ dòng chữ “Cover letter template” (Mẫu cover letter) trên Google và sẽ có 3,7 triệu kết quả tìm kiếm hiện ra.

Trung bình mỗi ngày, với một công việc sẽ có hơn 60 hồ sơ apply. Vì thế, các nhà tuyển dụng thường không có đủ thời gian để đọc kĩ những cover letter – mà theo họ, là không có sự đầu tư hay dấu hiệu phân biệt nào với những bản còn lại.

Điều tôi đang nói đến là vấn đề tiếp cận của đa số những người đi xin việc hiện tại: Mong muốn có một công việc lương cao, nổi bật hơn hàng nghìn người nhưng lại copy – paste những mẫu cover letter cũ kĩ, được dùng từ năm này qua năm khác. Bắt đầu với một cover letter như vậy, hành trình xin việc của bạn đã trở nên vô cùng tầm thường.

Khi bắt đầu gõ dòng chữ này lên google, hãy nghĩ về mục đích khiến bạn muốn tìm việc làm

Một cover letter tốt, độc đáo, sẽ thu hút sự chú ý của người đọc ngay lập tức. Điều này, sẽ tạo nên sự khác biệt giữa bạn và những ứng viên còn lại. Bạn là ai giữa 60 cover letter kia, cover letter của bạn có trùng lặp với ai không? Câu trả lời là: Không, bạn là chính bạn và là người nổi bật nhất.

Sau đây là một vài gợi ý nhỏ giúp bạn khẳng định vị thế của bản thân giữa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hồ sơ xin việc khác.

Biến cover letter trở thành một bức thư cá nhân giữa hai người

Điều này thực sự đã trở nên dễ dàng hơn tại thời điểm hiện đại, khi bạn có thể sử dụng những công cụ như LinkedIn để tìm kiếm thông tin những người phụ trách vị trí ứng tuyển của bạn. Một khi bạn đã biết chính xác người sẽ tuyển dụng mình là ai, bạn có thể cá nhân hóa cover letter một cách dễ dàng:

– Không sử dụng các đại từ “Ông/bà” hay “Đại diện Phòng ABC” một cách chung chung, thay vào đó bạn có thể sử dụng tên của họ.

– Nhìn vào hồ sơ, kinh nghiệm làm việc,… của họ và đề cập vào cover letter của bạn một vài điểm chung giữa bạn và người tuyển dụng.

– Đề cập đến một vài kĩ năng bạn mong muốn được học hỏi từ nhà tuyển dụng.

Chỉ cần như thế, một bức thư cover letter mang tính công việc đã được cá nhân hóa một cách hoàn hảo. Đây là bước khởi đầu tuyệt vời mà bất kì ứng viên nào cũng mong muốn có được.

Chủ động kể về bản thân

Không có gì khiến não bộ con người có thể cộng hưởng vào nhau như những câu chuyện. Tuy nhiên, nếu thực hiện, bạn phải thật khéo léo và cẩn thận, tránh lạm dụng hay sa đà vào việc kể lể quá nhiều. Đây là một ví dụ bạn có thể học tập:

“Xin chào ông Peterson,

Tôi nhận thấy rằng ông đã từng làm công việc hướng dẫn người khác qua sông khi còn trẻ. Tôi cũng đã có quãng thời gian 3 năm trải nghiệm công việc đó, cho đến một lần suýt chết khi đưa một nhóm người qua sông. Sự kiện ấy đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ của tôi, khiến tôi phải ngồi lại và cân nhắc về công việc mình đang làm…”

Ông Peterson sẽ tiếp tục đọc, như để tìm kiếm thêm một mối dây liên hệ giữa bạn và ông ta. Câu chuyện được kể một cách khéo léo đã kết nối sự đồng điệu giữa hai tâm hồn.

Thể hiện rằng bạn có mối liên hệ gần gũi với công ty

Bạn cần phải truyền tải được đến người tuyển dụng rằng đây là một công việc đặc biệt với bạn, là điều bạn kiếm tìm hơn là khái niệm “việc làm” đơn thuẩn. Và đó là lí do vì sao vị trí ứng tuyển chỉ phù hợp với bạn chứ không phải một ai khác.

Bạn cần công việc ư? Không, là công việc cần bạn

Dưới đây là một ví dụ khi bạn ứng tuyển vào một doanh nghiệp gia đình:

“Xin chào ông Smith,

Bố của tôi luôn nhắn nhủ với tôi rằng, trải nghiệm tốt nhất ông ấy có được khi còn trẻ đến từ những doanh nghiệp gia đình, và điều này đã tác động rất lớn đến quy tắc tìm việc của tôi bây giờ. Trước khi quyết định ứng tuyển, tôi đã dành khá nhiều thời gian tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp của ông. Và tôi nhận ra rằng, nó thật thú vị, đặc biệt là mảng trách nhiệm đối với dữ liệu của công ty và “color days” – ngày bonding nội bộ. Dù là doanh nghiệp gia đình, còn nhỏ lẻ nhưng ông sở hữu rất nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Doanh nghiệp tốt nhất 2017 cho Khu vực đô thị,… Tôi nghĩ rằng trước khi nộp hồ sơ vào bất cứ tổ chức, công ty nào cũng nên tìm hiểu khái quát về văn hóa, cách thức làm việc của họ. Tôi tin rằng cách tiếp cận và việc tìm hiểu kĩ trước về doanh nghiệp của ông là hoàn toàn đúng đắn, đó là lí do vì sao tôi tự tin mình là ứng viên tốt nhất cho vị trí này.”

Tập trung vào những ý chính

Khi mới ra mắt, iPhone có hơn 200 tính năng, nhưng trong các sự kiện gặp gỡ với báo chí Steve Jobs chỉ nói đến 7 tính năng đặc biệt trong số đó. Vì sao? Bởi nếu ông ấy liệt kê hết tất cả thì cuộc gặp gỡ ấy sẽ kéo dài dai dẳng và người nghe cũng không có ấn tượng với những tính năng nổi bật nhất.

Điều này cũng tương tự với một lá thư giới thiệu. Tuy nhiên, bạn không cần liệt kê hết mọi thông tin về bản thân trong đó. Con số được các nhà tuyển dụng yêu thích là 3 và bắt buộc phải thể hiện được những thông tin sau: Thông tin lý lịch cơ bản; Cảm xúc của bạn; Một vài câu chuyện; Giọng điệu thân thiện,…

Biến cover letter trở nên rõ ràng, đẹp mắt nhất có thể

Bạn nên sử dụng những phông chữ phổ biến, dễ đọc như: Arial, Courier New, Times New Roman; cỡ chữ từ 12 – 14, căn lề chuẩn,… Mộtcover letterchuẩn sẽ chỉ gói gọn trong 1 trang giấy và được lưu dưới dạng PDF thay vì DOC.X.

Và đặc biệt, không bao giờ được phạm những sai lầm về ngữ pháp, cấu trúc câu, chính tả (tối kỵ là việc sai tên công ty hoặc tên người tuyển dụng),… Những lỗi sai tưởng nhỏ nhặt này lại là nguyên nhân đầu tiên khiến cover letter của bạn bị ném sang một bên.

Mong muốn lương nghìn đô nhưng lại phạm những lỗi cơ bản thông thường?

Hãy chắc chắn rằng trước khi ấn nút “Gửi” bạn đã kiểm tra lại từng chữ trong bức thư giới thiệu của mình.

Nếu nhìn từ lần đầu tiên, cover letter của bạn gây được ấn tượng tốt: trình bày bắt mắt, khác biệt so với những bản khác thì đó đã là một điểm cộng cho bạn. Một cover letter ấn tượng sẽ giúp bạn vượt qua vòng sơ tuyển gắt gao và có một cuộc phỏng vấn tiếp theo với nhà tuyển dụng.

Theo Nhịp sống kinh tế