Những doanh nghiệp trong cuộc, dù nhỏ hay lớn, đều thừa nhận rằng tái cấu trúc là cả một quá trình từ chua cay đến đau thương chứ không đơn giản chỉ là vất vả như từng nghĩ. Quá trình ấy không chỉ cần có tầm nhìn mới, quyết tâm, đầu tư, chịu thay đổi, mà còn đòi hỏi sự nhạy cảm, kiên định và… rất nhiều thứ khác. Ngay cả những người đã quyết liệt tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp mình trong một năm qua vẫn chưa tự tin trả lời được rõ ràng câu hỏi: Mình đã vượt qua vòng xoáy cũ chưa hay vẫn chỉ chuyển động lòng vòng?
Với khao khát tạo nên sự thay đổi, rất nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận tăng quỹ lương lên mức lịch sử để chiêu mộ nguồn chất xám về: Từ du học sinh, nhân sự dày dạn kinh nghiệm từ các tập đoàn đa quốc gia cho đến người nước ngoài. Cách đây chừng một năm, làng kinh doanh cứ liên tục xôn xao doanh nghiệp này có CEO mới, công ty kia có thêm người tài. Và hầu hết, khoảng thời gian “trăng mật” của cả hai bên đều tràn đầy hy vọng và nhiệt huyết. Các bên vạch cho nhau rất nhiều sứ mạng, quyền lợi và triển vọng tương lai. Thậm chí, có những đơn vị mà cả chủ doanh nghiệp lẫn nhân tài mới đến đều rất sớm đăng đàn chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và thay đổi.
Thế rồi, những cuộc chia ly cứ liên tục diễn ra sau khoảng thời gian đủ cho hai bên “vỡ mộng”. Qua tiếp xúc, có thể thấy, cả hai bên đều bị thất vọng và tổn thương. Cả hai đều phải trở lại, thậm chí ở mức thấp hơn thời điểm gặp nhau, để xây dựng lại. Trong đó, có xây dựng lại định hướng của chính mình, chứ không chỉ là bộ máy hay niềm tin.
Thiết nghĩ, cả niềm hy vọng, vồ vập quá sớm hay những thất bại, chia ly nên tiếc nuối chứ không có gì. Phải lấy làm ngại ngùng, bởi hầu như, đây lần đầu tiên đã diễn ra quá trình chuyển động hai chiều này trong giới doanh nghiệp VN. Lần đầu tiên doanh nghiệp nội địa quyết định thay đổi tư duy về thuê nhà điều hành chuyên nghiệp, chiêu mộ nhân sự cấp cao để lột vỏ chính mình. Và cũng là lần đầu tiên, nhiều nhân sự cấp cao, sau quá trình tích lũy kinh nghiệm quốc tế, đã tự tin mình có thể đứng trên cương vị CEO, nhận lãnh một doanh nghiệp đang đầy hy vọng vươn xa. Sự thất bại trong cuộc tác hợp đầu tiên ấy đã chỉ ra một bài học chung, rất cụ thể rằng:
Doanh nghiệp không thể chỉ tái cấu trúc bằng việc thêm một số người có năng lực mà không có đủ thời gian để thiết lập hệ thống tương thích. Những con người đã quen với những mô hình làm việc chuyên nghiệp, được đặt trên bệ phóng để phát huy tài năng chưa đủ thời gian và cả chuẩn bị tâm thế để trở thành người cải tạo sự nghiệp dư và thiếp lập bệ phóng. Mặt khác, doanh nghiệp cũng không thể tái cấu trúc bằng việc thuê tư vấn xây dựng cho mình một bộ khung hệ thống mà thiếu những con người giỏi, có tầm vóc mới, đủ hiểu hệ thống mới để vận hành. Nhưng rất khó để có cả con người và hệ thống, tương tích cùng lúc. Vì vậy, có người giỏi, người mới trước rồi mới thiết lập hệ thống hay thiết lập hệ thống trước rồi mới tìm người. Câu trả lời không dễ và chính vì thế, đây cũng chính là một “cái bẫy” gây nên sự bế tắc, vòng quanh của quá trình đổi mới, tái cấu trúc trong nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa rồi. Vậy thì, giải pháp là gì?
Nhiều nguồn tư vấn đều thống nhất ở quan điểm rằng: Khi doanh nghiệp bắt đầu tái cấu trúc từ con số không về hệ thống, nếu đi từ con người trước, thì phải là con người biết thiết lập hệ thống. Sai lầm của nhiều doanh nghiệp trước đây là thuê ngay người điều hành trong khi hệ thống chưa thiết lập xong. Thiết lập và điều hành hệ thống là hai phạm trù khác nhau và có những nhân sự cấp cao chỉ phát huy được khả năng khi đã đặt trong một hệ thống chuyên nghiệp để họ vận hành, chứ bản thân họ không có đủ nguồn lực để xây dựng từ đầu một hệ thống mới, giữa một môi trường ngổn ngang.
Thứ hai, nếu bắt đầu từ hệ thống, nghĩa là chủ doanh nghiệp hoặc người lãnh đạo tiền nhiệm phải có khả năng thiết lập nền tảng và điều phối quá trình hình thành hệ thống trong giai đoạn đầu, rồi sau đó đủ khả năng chuyển giao cho người điều hành mới. Đồng thời, họ phải nhạy cảm trong việc chuẩn bị, đào tạo sẵn nguồn nhân lực sẽ tương thích với hệ thống mới, chứ không phải chờ sau đó mới bắt đầu tìm từng nhân sự theo yêu cầu phát sinh. Nếu hai yêu cầu này rời rạc nhau quá xa, sẽ cản trở tốc độ chuyển động của doanh nghiệp.
Và dù bắt đầu từ hướng nào, thì chủ doanh nghiệp cũng cần có sự kiên nhẫn, kiên định bởi tất cả chuyên gia trong ngành khẳng định rằng cần ít nhất là 2 năm, thường là lâu hơn nữa, mới thấy được kết quả của tái cấu trúc, chứ không thể trong 3 hay 6 tháng đã đòi hỏi phải có ngay một bộ mặt mới, năng lực kinh doanh mới, nguồn thu mới cho doanh nghiệp như đòi hỏi thường thấy trong thời gian qua.
Theo Diendanquantri