Chuyện Dubai và chiến lược hình thành cơ cấu

Cách đây 30 năm, thành công của Dubai là một điều không tưởng. Các cấu trúc xi-măng hầu như không hề hiện hữu trong vùng sa mạc khắc nghiệt.
Cơ hội việc làm tăm tối và dịch vụ y tế thì rất nghèo nàn. Người ta sống trong những túp lều lợp từ lá cọ và chăn nuôi cừu dưới cái nắng cháy da.
Sự đồng thuận chiến lược đại dương xanh
Tuy nhiên, quyết định chiến lược của các lãnh đạo tiểu vương quốc này đã đưa Dubai vượt qua những bất lợi tưởng chừng như không thể khắc phục ấy. Và nơi này dần trở thành một đảo quốc bình yên nằm giữa lòng một khu vực vốn bất ổn về mặt chính trị. Chỉ còn 5% thu nhập hằng năm của hòn đảo này xuất phát từ dầu mỏ và khí thiên nhiên, mức giảm rất mạnh so với con số 30% trong thập kỷ trước.
Thật vậy, người ta có thể nói rằng Dubai là nền kinh tế Ảrập duy nhất đạt được sự hội nhập bền vững vào nền kinh tế toàn cầu mà không phải nhờ vào dầu mỏ, hơn nữa, nơi này cũng đã vươn lên trở thành điểm đến thương mại và du lịch cao cấp của thế giới.
Dù Dubai, cũng như phần còn lại của thế giới, đang bị cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vùi dập, và tương lai của tiểu vương quốc này phụ thuộc rất nhiều vào cách nó ứng phó với khủng hoảng, trong bối cảnh này, chiến lược đại dương xanh theo chủ nghĩa tái xây dựng – vốn tập trung đạt sự đồng bộ giữa ba mục tiêu chiến lược về tính khác biệt hóa và chi phí thấp – đã mang đến cho vương quốc này tốc độ tăng trưởng cao chưa từng có.
Mục tiêu về giá trị của Dubai hướng đến các nhà đầu tư nước ngoài và dùng tiền của họ làm động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Còn mục tiêu về lợi nhuận của nước này cho phép chính phủ được lợi và được chia sẻ doanh thu với các nhà đầu tư. Mục tiêu về con người của Dubai đã khuyến khích được mọi công dân và đối tác bên ngoài – các chuyên gia ngoại quốc – tham gia vào hai mục tiêu giá trị và lợi nhuận, từ đó củng cố chiến lược tổng thể của quốc gia.
Sức hấp dẫn nhờ nền công vụ tiên tiến
Cốt lõi thành công của Dubai chính là mục tiêu giá trị hướng đến các nhà đầu tư nước ngoài vốn hoàn toàn khác biệt với các nền kinh tế mới nổi khác. Mục tiêu giá trị này bắt đầu với khoảng một tá khu vực tự do đẳng cấp quốc tế với nhiều ưu đãi vô cùng hấp dẫn dành cho nhà đầu tư. Để tạo nên sự khác biệt, chính phủ cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và nguồn vốn và lợi nhuận được chuyển về nước mà không mất khoản phí nào. Để giúp các nhà đầu tư nước ngoài cắt giảm chi phí, chính phủ không tính thuế nhập khẩu và tái xuất khẩu. Thuế doanh nghiệp cho 15 đến 50 năm đầu hoạt động là bằng không và có thể gia hạn thời gian.
Để tăng sức hấp dẫn đồng thời giúp các nhà đầu tư giảm chi phí, Dubai còn cải cách quy trình đăng ký, cho phép công ty được cấp giấy phép và kinh doanh trong vòng chưa đến nửa giờ đồng hồ. Tất cả tài liệu đều bằng tiếng Anh và hệ thống luật pháp minh bạch của tiểu vương quốc này cũng dựa theo luật Anh quốc (thậm chí ngài Thẩm phán tối cao cũng là một người Anh). Dubai cũng phát triển hệ thống dịch vụ hàng không, cầu cảng và tàu bè đẳng cấp quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ kinh doanh.
Rõ ràng Dubai đã cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài một gói dịch vụ hoàn hảo nhằm vào mục tiêu khác biệt hóa và chi phí thấp, và chính sự kết hợp này đã tạo nên động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Dubai. Hãy thử so sánh mục tiêu giá trị mà tiểu vương quốc này dành cho các nhà đầu tư nước ngoài với chính sách tương tự của Thượng Hải, trung tâm thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Thượng Hải mang đến cho các nhà đầu tư nước ngoài một hệ thống luật pháp phức tạp và không minh bạch và yêu cầu các công ty mới gia nhập phải làm quen với các quy tắc, tập tục và hệ thống chính trị ở Trung Quốc. Dù Thượng Hải có một trong những nền kinh tế lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng xét về nhiều mặt, Dubai vẫn tỏ ra vượt trội.
“Điều gì có lợi cho kinh doanh thì cũng có lợi cho Dubai”
Vậy làm thế nào Dubai có thể tạo ra thu nhập cho ngân sách nếu như mọi doanh nghiệp và cá nhân đều được miễn thuế? Thật sự vương quốc bé nhỏ này đã làm được bằng nhiều phương pháp khác biệt hóa để tạo ra thu nhập trong khi vẫn giữ được cấu trúc chi phí ở mức thấp. Không giống như chính phủ các nước Ả Rập khác, Dubai được vận hành như một doanh nghiệp kinh doanh lớn. Và người đứng đầu quốc gia này, Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum luôn giữ vững phương châm: “Điều gì có lợi cho kinh doanh thì cũng có lợi cho Dubai”.
Cho nên, thay vì ráng sức khai thác các kênh thu nhập truyền thống như thuế doanh nghiệp và thuế cá nhân vốn thường làm thoái chí các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ nước này đã đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ các hoạt động của nhà đầu tư – chẳng hạn như dịch vụ tàu vận chuyển và cảng biển, giao thông, du lịch, hàng không, phát triển bất động sản, xuất khẩu và viễn thông. Những khoản đầu tư này cho phép chính phủ thu được lợi nhuận trực tiếp từ mục tiêu giá trị độc đáo và hướng đến chi phí thấp của mình.
Một ví dụ khác là DP World, nhà nước sở hữu 80% tập đoàn này thông qua Dubai World. DP World điều hành cảng Jebel Ali và một khu liên hợp ở Dubai, nơi đóng quân của hơn 6.000 công ty. Một tập đoàn khác là Nakheel, thuộc toàn quyền sở hữu của Dubai, và hiện đang là một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất thế giới. Nakheel mang trọng trách phát triển một nửa số dự án xây dựng dân dụng ở tiểu vương quốc này trong suốt 10 năm tới, mang về cho chính phủ nguồn lợi nhuận từ khai thác nhu cầu nhà ở của lao động nước ngoài. Và nhờ sở hữu hảng hàng không Emirates, chính phủ có nguồn thu đáng kể từ lưu lượng lớn hành khách và hàng hóa đi vào Dubai.
Để phục vụ nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp của chính phủ đã đạt được trình độ chuyên môn cao để có khả năng xây dựng các công ty mang tầm cỡ toàn cầu, từ đó, tạo ra nhiều nguồn thu nhập hơn. Chẳng hạn như DP World hiện đang điều hành hơn 50 cảng ở 31 quốc gia. Kết quả là tốc độ tăng trưởng thu nhập nhanh và vững chắc cùng với danh tiếng toàn cầu về chất lượng cao là những công nhận cho nỗ lực của tiểu vương quốc này.
Mục tiêu lợi nhuận của Dubai không chỉ được khác biệt hóa: Phát triển kinh tế và lợi nhuận cho chính phủ được đảm bảo bởi mục tiêu theo đuổi chi phí thấp. Ở Dubai, những chuyên gia sống xa xứ vẫn là chính họ: khoảng 80% dân số đang không ngừng gia tăng của tiểu vương quốc này là người nước ngoài. Khi thắt chặt các quy định về nhập tịch, chính phủ đã giới hạn các nghĩa vụ xã hội của mình ở mức thấp nhất.
Hơn nữa, khi thực hiện một quyết định mang tính chiến lược là trở thành một bộ phận của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Dubai không cần xây dựng quân đội, phái đoàn ngoại giao hay cơ quan quản lý tiền tệ cho riêng mình. Abu Dhabi, thủ đô của UAE đồng thời là chủ sở hữu của nhiều mỏ dầu khổng lồ, sẽ chịu gần như toàn bộ chi phí duy trì chính phủ liên bang. Tất cả các yếu tố này đã kết hợp để hình thành mục tiêu về lợi nhuận mà phá vỡ thế cân bằng giá trị-chi phí.
Con người là trung tâm
Dubai giờ đây đã trở thành một thế giới thu nhỏ với hơn 1 triệu người đến từ hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới. Trước sự tấn công dữ dội từ những người ngoại quốc, mà phần nhiều là từ các nước phương Tây và châu Á, làm thế nào Dubai có thể bảo tồn được những truyền thống Ảrập của mình đồng thời nuôi dưỡng lòng bao dung của công dân nước này? Và khi không có chính sách phúc lợi xã hội nào cũng như như không cung cấp quyền nhập tịch, làm thế nào Dubai thu hút được nhân tài ngoại quốc để góp sức cho chính phủ trong việc thực thi chiến lược?
Câu trả lời là nhờ xây dựng mục tiêu về con người dành cho những cử tri tạo ra được giá trị khác biệt và định hướng chi phí thấp. Mục tiêu về con người bao gồm cả các yếu tố kinh tế và cảm xúc bởi những yếu tố này có thể mang giá trị đến cho con người hoặc trở thành một gánh nặng chi phí cho sinh kế của họ.
Trước tiên chúng ta hãy nhìn mục tiêu con người ở phương diện dành cho công dân bản xứ. Họ có thể tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội hào phóng và gần như luôn được đảm bảo một chỗ làm việc trong chính phủ. Họ nhận được rất nhiều hỗ trợ từ nhà nước, gồm có chăm sóc ý tế, phúc lợi khi đau ốm và thai sản, chăm sóc sức khỏe cho con cái, hệ thống giáo dục miễn phí hoặc được trợ cấp, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, và trong một số trường hợp còn được hỗ trợ về nhà ở và khuyết tật, tất cả những khoản nói trên đã cải thiện mạnh mẽ chất lượng cuộc sống của người dân.
Đồng thời, chính phủ cũng thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn văn hóa và di sản của Dubai, một phần là nhờ biện pháp khuyến khích những rào cản ảo giữa công dân và người ngoại quốc. Công dân nước này sẽ được chính phủ cấp đất miễn phí kèm theo các khoản vay không lãi suất hoặc các khoản trợ cấp để xây dựng nhà cửa ở ngoại ô thành phố. Con cái họ sẽ đi học tại các trường Ảrập gần đó mà tại đó, người ta sẽ dạy chúng những bài giáo huấn theo đạo Hồi cùng với kiến thức từ nền giáo dục hiện đại. Tại đây, những giá trị và quy chuẩn văn hóa Ảrập truyền thống sẽ giữ vai trò trọng tâm. Và nhờ vào dân số nhỏ cùng với thu nhập khổng lồ từ các hoạt động đầu tư kinh doanh, chi tiêu của chính phủ cho phúc lợi của người dân hầu như chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Mục tiêu về con người mà Dubai dành cho công dân nước ngoài cũng hấp dẫn không kém. Chính sách thuế thu nhập cá nhân bằng 0 càng khiến cho tiền lương vốn dĩ rất hào phòng ở đây càng thêm hấp dẫn. Chi phí nhà ở cũng tương đối thấp; một nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí cho một bất động sản cao cấp ở Dubai chỉ bằng từ một phần năm đến một phần ba so với các trung tâm thương mại lớn khác. Dubai khiến mình khác biệt so với các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ khi cho phép người nước ngoài sinh sống tại quốc gia này sở hữu hoàn toàn bất động sản của họ.
Khi những chính sách hấp dẫn này đã thu hút được nhiều người nước ngoài đến Dubai thì một môi trường đa văn hóa cũng xuất hiện; gần như bất kỳ ai cũng tìm thấy trải nghiệm của quê hương mình tại Dubai – như rượu vang Pháp, trang phục xa-ri Ấn Độ, món sushi Nhật Bản. Quốc gia này còn tự hào khoe với năm châu về khu trượt tuyết trong nhà lớn nhất thế giới của mình. Nói tóm lại, mục tiêu về con người của Dubai là mang đến cho nhân tài ngoại quốc trải nghiệm phong phú và độc đáo với mức giá thấp.
Lấy bài học Dubai làm minh họa, thực hiện đồng bộ ba mục tiêu chiến lược sẽ tạo ra nhiều trợ lực mạnh mẽ. Với một mục tiêu giá trị khác biệt, chi phí thấp vô cùng hấp dẫn, Dubai đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài, và nhờ phục vụ những đối tượng này, Dubai đã tìm được rất nhiều phương án mới mẽ để gia tăng thu nhập. Và nhờ có hai mục tiêu giá trị và con người vốn đã thu hút được nhiều người nước ngoài như thế, Dubai có thể xây dựng một môi trường đẳng cấp quốc tế, một điểm đến du lịch và an cư hấp dẫn cho mọi người.
Sau cùng, mục tiêu lợi nhuận cho phép Dubai cắt giảm chi tiêu của chính phủ và sử dụng nguồn thu nhập có được vào việc tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh, để từ đó khuyến khích ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài gia nhập, đồng thời mang đến cho công dân nước mình một chất lượng cuộc sống mà tổ tiên họ nằm mơ cũng không ngờ đến. Dĩ nhiên những trợ lực này có thể yếu đi bởi một cú sốc bên ngoài như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Nhưng nếu và khi Dubai thành công trong việc phục hồi từ khủng hoảng, họ sẽ lấy lại được tất cả sức mạnh của mình.
Sự đồng bộ trong chiến lược đại dương xanh không chỉ có thể ứng dụng cho các chính phủ mà còn cho cả công ty và các tổ chức phi lợi nhuận.

Theo W. Chan Kim và Renée Mauborgne